-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tranh chấp từ các dự án bất động sản: Bên nào cũng thiệt
Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các dự án bất động sản không hề giảm mà ngày càng có xu hướng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, rất nhiều tranh chấp tại các dự án bất động sản xảy ra. Dư luận đang lo ngại về quyền lợi của cư dân, nhà đầu tư khi những tranh chấp có thể khiến giá nhà tại các dự án này giảm xuống.
Tại Hà Nội, mới đây nhất, vào ngày 5/3, hàng trăm cư dân của dự án Home City đã tập trung diễu hành phản đối vì cho rằng chủ đầu tư của dự án này (Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Trung Kính) đã tự ý bịt lối đi tại số 177 Trung Kính, vốn trước đây hủ đầu tư lấy làm địa chỉ của dự án này. Theo đó, cuối năm 2016 sau khi nhận bàn giao nhà, nhiều hộ dân rất bất ngờ khi lối đi chính của dự án Home City không phải là 177 Trung Kính như trước thay vào đó là lối vào khá vòng vèo theo đường Nguyễn Chánh - con đường nhỏ nằm ở mặt sau tòa nhà. Đây cũng không phải lần đầu tiên cư dân dự án này phản ứng gay gắt với chủ đầu tư. Trước đó, hồi giữa tháng 2/2017, nhiều cư dân từng tập trung phản đối, đòi trả lại lối đi ở 117 Trung Kính đồng thời yêu cầu chủ đầu tư giải quyết nhiều vấn đề bức xúc khác liên quan đến dự án này. Dù chủ đầu tư dự án đã lý giải và đưa ra các bằng chứng pháp lý nhưng cư dân vẫn không đồng tình.
Vụ tranh chấp tốn nhiều giấy mực tại dự án Home City Trung Kính |
Cũng trong tháng 2/2017 vừa qua, sau nhiều lần đề nghị chủ đầu tư giải quyết việc đo thiếu diện tích căn hộ và nhiều vấn đề bức xúc khác, nhiều cư dân mua căn hộ tại chung cư Parkview Residence (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) của Cty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest) đã kéo đến trụ sở CEN Invest yêu cầu được làm việc với chủ đầu tư. Đến ngày 3/3, hai bên đã có một buổi đối thoại, đáng tiếc là dù kéo dài tới 12 giờ đồng hồ nhưng những vướng mắc giữa cư dân và chủ dự án vẫn chưa thực sự được tháo gỡ.
Ngoài hai vụ việc đình đám này, thời gian qua Hà Nội còn có khá nhiều vụ tranh chấp đã và đang diễn ra tại nhiều dự án khác nhau được báo chí phản ánh như dự án chung cư Thăng Long Garden, Skylight (Minh Khai, Hai Bà Trưng), Tràng An Complex (Cầu Giấy)…
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2016, thị trường BĐS Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng khi vào ngày mở bán dự án chung cư Riverside Garden (đường Vũ Tông Phan) và liên tục trong nhiều ngày sau đó, một nhóm cổ đông nhỏ đã căng băng rôn với dòng chữ “Đất dự án Riverside - Garden 349 Vũ Tông Phan đang tranh chấp, đừng mua mất tiền!”. Thông tin này khiến không ít nhà đầu tư của dự án Riverside Garden ngã ngửa.
Các chuyên gia phân tích, BĐS là loại hàng hóa tương đối nhạy cảm, do đó những tranh chấp này ngay lập tức có thể ảnh hưởng đến tốc độ tiêu thụ của dự án và đương nhiên, giá trị căn hộ vì thế cũng sẽ bị kéo giảm xuống, nhất là tại những dự án để tranh chấp, kiện tụng kéo dài.
Trao đổi về vấn đề này, giám đốc một sàn bất động sản lớn cho biết, trong nghề môi giới, các nhân viên sàn giao dịch thường ngại nhất khi những sản phẩm của họ vướng vào các dự án có tranh chấp. Không chỉ phải ra sức giải thích, thuyết phục khách hàng để họ hiểu được bản chất của vấn đề mà nhiều lúc, mặc dù đã cung cấp đầy đủ các thông tin, ngay trước ngày đặt cọc, vẫn có khách hàng hủy hợp đồng vì lo ngại tính pháp lý của dự án cũng như lo ngại những phiền phức đi kèm. “Kinh nghiệm thực tế là dự án nào dính tranh chấp cũng bị giảm giá, ít thì giảm 1-2 triệu đồng/m2, nhiều có thể lên tới 3-5 triệu m2”, vị giám đốc này cho biết.
Chị Nguyễn Thị Dung, một cư dân dự án Home City cho biết, trong vòng hơn nửa tháng qua, chỉ vì dính vào việc tranh chấp lối đi của dự án, đến thời điểm này, căn hộ diện tích 80m2 của chị đã bị "bốc hơi" ngót 160 triệu so với mức giá thị trường trước thời điểm tranh chấp. “Chúng tôi nhận bàn giao nhà từ cuối năm 2016, vì vài lý do nên tôi quyết định bán lại căn hộ này. Tuy nhiên, tranh chấp xảy ra ngay sau khi đạt được thỏa thuận giá bán với mức 35,5 triệu m2, đáng tiếc là chúng tôi chưa nhận tiền đặt cọc nên khi có sự việc bất ngờ xảy ra, bên mua đã xin tạm dừng việc mua bán và hiện nay, nhân viên sàn môi giới đang định giá căn hộ này giảm xuống còn 33,5 triệu /m2”- chị Dung lo ngại.
Tương tự, một số cư dân, nhà đầu tư dự án này cũng cho biết họ rất mong chủ đầu tư cùng với cư dân tòa nhà nhanh chóng giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh thời gian qua, bởi nếu để kéo dài sẽ tiếp tục tác động xấu tới giá trị giao dịch sản phẩm của dự án này trên thị trường và gây thiệt hại cho cả hai bên...
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, cho rằng để xảy ra tranh chấp là điều đáng tiếc, vì ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư dự án và tác động xấu lên giá bán căn hộ. Theo kinh nghiệm của ông, một dự án dính vào tranh chấp, kiện cáo có thể khiến giá bán giảm từ 5-10%, hoặc nhiều hơn nữa nếu tranh chấp là nghiêm trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp và cư dân nên chủ động điều chỉnh, tháo gỡ, tránh để tranh chấp kéo dài và nặng nề hơn.
Thực tế cũng cho thấy, với một thị trường bất động sản non trẻ như Việt Nam thì tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, các vướng mắc từ những dự án bất động sản cần được các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc sớm cùng doanh nghiệp tháo gỡ, đáp ứng mong muốn của người dân cũng như giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.